Lịch sử hình thành và phát triển

Đăng lúc: 21:30:54 02/01/2019 (GMT+7)

Trường THPT Lương Đắc Bằng - điểm sáng của phong trào giáo dục trên quê hương Hoằng Hoá, niềm tin của Đảng bộ, nhân dân Hoằng Hoá về chất lượng "trồng người" đang tiếp tục vươn lên đầy khí thế.

 Trường THPT Lương Đắc Bằng - điểm sáng của phong trào giáo dục trên quê hương Hoằng Hoá, niềm tin của Đảng bộ, nhân dân Hoằng Hoá về chất lượng "trồng người" đang tiếp tục vươn lên đầy khí thế.

Những bước đi ban đầu (1961 - 1965)

Ngày 15/10/1961, trường cấp 3 đầu tiên của huyện Hoằng Hóa - Trường cấp 3 Hoằng Hoá đã ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của giáo dục huyện nhà. Năm học đầu tiên, trường có 3 lớp với 150 học sinh. 

Cơ sở vật chất ban đầu của trường chưa có gì, phải dựa hoàn toàn vào cơ sở vật chất của Trường cấp 2 Hoằng Hoá. Mặc dù khó khăn chồng chất nhưng với ý chí quyết tâm cao, tập thể thầy cô giáo đã đưa nhà trường từng bước tiến lên.

Đến năm học 1964 - 1965, trường có 9 lớp với 410 học sinh và 19 thầy cô giáo. 

Qua bốn năm học (1961 - 1965), trường có 173 học sinh đậu tốt nghiệp, trong đó 53 học sinh vào đại học và 49 học sinh lên đường nhập ngũ.

Thế hệ học sinh đầu tiên này đã trưởng thành trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội và khoa học. Một số thầy cô giáo hôm nay của trường cũng là học sinh những khoá đầu tiên này.Những năm chiến tranh sơ tán (1965 - 1973)
Đây là những năm đế quốc Mỹ tiến hành 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trường phải phân tán, sơ tán về các xã Hoằng Thịnh, Hoằng Thái, Hoằng Vinh, Hoằng Đồng với những lán học đơn sơ, bí bầu nguỵ trang và lũy đất chắn mưa bom bão đạn. Được sự đùm bọc của đồng bào nơi sơ tán, thầy trò đã đầu đội mũ rơm, vai đeo túi thuốc đến trường. Quy mô nhà trường vẫn không ngừng mở rộng và chất lượng dạy học vẫn từng bước được nâng cao.

Năm học 1967 - 1968: trước yêu cầu phát triển văn hoá, giáo dục của huyện nhà, trường phổ thông cấp 3 Hoằng Hoá được chia làm 2 trường với tên gọi: Trường phổ thông cấp 3 Hoằng Hoá I và Trường phổ thông cấp 3 Hoằng Hoá II.

Bước vào năm học 1972 - 1973 để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, văn hoá cho nhân dân vùng 8 xã ven biển, Uỷ ban hành chính tỉnh Thanh Hoá đã quyết định thành lập Trường Phổ thông cấp 3 Hoằng Hoá 3. Những học sinh thuộc các xã trên đã học tại Trường Phổ thông cấp 3 Hoằng Hoá I cùng một số thầy cô giáo được chuyển về xây dựng cơ sở ban đầu cho Trường phổ thông cấp 3 Hoằng Hoá 3.

Trong 8 năm (1965 - 1973), trường có 1.688 học sinh học hết lớp 10, trong đó 12.301 em đậu tốt nghiệp, 245 em được vào học các trường đại học trong và ngoài nước, 407 học sinh lên đường đi chiến đấu. Từ năm 1970, việc vào đại học của học sinh phải qua thi tuyển, cũng ngay từ năm đó và liên tiếp các năm sau này, trường có tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học cao, được Ty Giáo dục Thanh Hoá liên tục biểu dương. Những năm đầu sau Hiệp định pari (1973 - 1981)
Sau Hiệp định Pari, thầy và trò nhà trường rời nơi sơ tán về lại trường cũ với bao khó khăn chồng chất. Năm học 1973 - 1974 trường có 26 lớp với 1381 học sinh với 66 thầy cô giáo. 

Cùng với nhiệm vụ dạy và học, từ 1973 - 1975 nhà trường còn có một nhiệm vụ to lớn là động viên tuổi trẻ lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 194 học sinh và 5 thầy giáo đã lên đường nhập ngũ. 

Năm học 1977 - 1978, trường đã xây dựng được thêm 24 phòng học, một khu văn phòng, một hội trường lớn, phòng thí nghiệm, xưởng trường và một số công trình phụ khác, tạo nên sự khang trang, bề thế cho nhà trường. 

Năm học 1980 - 1981, trường là đơn vị duy nhất của khối PTTH được công nhận là trường tiên tiến cấp tỉnh.

Trong 20 năm (1961-1981), trường đã đào tạo được 5.307 học sinh tốt nghiệp PTTH. Trường đã giáo dục và động viên được 1.017 học sinh tham gia quân đội, đóng góp cho các trường đại học trong và ngoài nước 755 học sinh để đào tạo thành những cán bộ khoa học kĩ thuật, văn hoá, giáo dục và quản lí nhà nước, góp phần vào việc xây dựng đất nước. 12 trong 20 năm trường được công nhận là trường tiên tiến cấp tỉnh, được Bộ Giáo dục cấp bằng khen và được đón Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình về thăm.